Quần thể di sản hiện đại hóa của Tottori

Thành phố Tottori, trong thời kỳ Edo (1603–1868), từng tự hào là thủ phủ của một phiên với mức sản lượng lúa gạo (quy mô tài chính) đứng thứ 12 trong khoảng 300 phiên trên cả nước, tuy nhiên thời kỳ hiện đại sau đó lại chờ sẵn hàng loạt khó khăn liên tiếp.

Ngay sau Minh Trị Duy Tân (1868), vì lý do chính trị nên tỉnh Tottori (phiên Tottori trước đây) tạm thời bị sáp nhập vào tỉnh Shimane, dẫn đến việc khu vực nằm dưới Thành Tottori từng phát triển hưng thịnh như thủ phủ của phiên đã bị suy thoái nhanh chóng. Thêm vào đó, khu vực San-in nơi thành phố Tottori tọa lạc, do đặc điểm địa lý nên việc hoàn thiện các mạng lưới giao thông như đường sắt và đường bộ diễn ra chậm hơn các khu vực khác, khiến tốc độ phát triển kinh tế hiện đại cũng diễn ra chậm hơn. Ngoài ra, tỉnh Tottori còn phải hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Bên cạnh những trận lũ lụt lớn xảy ra liên tiếp, trận động đất lớn năm 1943 (cường độ 7.2) đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực đô thị, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức để phục hồi. Những thảm họa thiên nhiên này đã làm lung lay nền tảng cuộc sống của người dân và tạm thời làm chậm lại sự phát triển lên đô thị hiện đại. Hơn nữa, vào năm 1952, một trận hỏa hoạn không rõ nguyên nhân đã thiêu rụi phần lớn khu vực đô thị, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Như vậy, thành phố Tottori trong thời kỳ cận đại phải đối mặt với những khó khăn như ảnh hưởng chính trị, khó khăn kinh tế, các thiên tai liên tiếp và đã phải vượt qua nhiều thách thức để phát triển như một đô thị hiện đại.

Thành phố Tottori từng phát triển thịnh vượng suốt từ thời Chiến Quốc (thế kỷ XV-XVI) đến thời Edo. Sau đó, dù có lúc tạm thời suy thoái, nhưng vẫn có thể nhận thấy được quá trình dần hiện đại hóa thông qua những Di sản văn hóa quý giá được bảo tồn trong thành phố như tòa “Jinpukaku” (Nhân Phong Các) và “Cơ sở cấp nước từ đầu nguồn Mitani cũ”.

Metastore

Từ đây, bạn có thể thưởng thức các nội dung kỹ thuật số trong không gian Metaverse.

Giới thiệu Tài sản văn hóa

Tàn tích Thành Tottori và Taikoganaru

Tàn tích Thành Tottori có nguồn gốc là tòa thành trên núi từ thế kỷ XVI, đặc trưng với địa hình dốc đứng. Tàn tích này từng được gọi là “Ngọn núi nổi tiếng không thể che giấu của Nhật Bản”, cũng được Oda Nobunaga – một tướng lĩnh nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản – ca ngợi là “Tòa thành danh tiếng”.

Về mặt lịch sử, đây là nơi diễn ra trận bao vây cắt lương thực của Hashiba Hideyoshi (sau này là Toyotomi Hideyoshi) – một cận thần của Oda Nobunaga, đến thế kỷ XVII được Ikeda Mitsumasa mở rộng và cải tạo thành dạng Thành Hirayama (Thành trên đồi bằng phẳng) với quy mô 320,000 koku. Vì các thợ xây dựng của Thành Himeji – được chỉ định là Quốc bảo của Nhật Bản – đã tham gia xây dựng Thành Tottori, nên nơi này còn được gọi là “Tòa thành em trai của Thành Himeji”. Tại khu Ninomaru, nơi có dinh thự của lãnh chúa, một tòa tháp ba tầng dạng tháp chồng tháp đầu tiên ở khu vực San-in được xây dựng, đem đến niềm tự hào cho người dân khi là biểu tượng của phiên trong thời gian dài.

Sau thời Mitsumasa, gia tộc Ikeda Tottori cũng được biết đến là những nhân vật quan trọng trong cuộc Minh Trị Duy Tân (1868), đặc biệt là đời thứ 12, Yoshinori, đã xây dựng lò phản xạ hiệu suất cao và hoạt động cùng quân đội của Chính phủ mới trong Chiến tranh Boshin (1868–1869). Trong sắc lệnh phá bỏ các tòa thành sau cuộc Minh Trị Duy Tân, vì lý do quân sự nên Thành Tottori vẫn giữ lại được nhiều công trình, tuy nhiên khi tình hình an ninh ổn định và quân đội rút lui, những tháp pháo mang tính biểu tượng cũng theo đó bị tháo dỡ. Hiện nay, các công trình phục hồi kiến trúc tòa thành đang được tiến hành nhằm khôi phục lại diện mạo ban đầu.

“Taikoganaru” là tàn tích của đại bản doanh cực lớn được Hashiba Hideyoshi xây dựng vào năm 1581 trong trận bao vây cắt lương thực ở Thành Tottori, gây kinh ngạc với tuyến phòng thủ lớn gồm ba lớp hào sâu liên kết với nhau.

Tàn tích Thành Tottori được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia, truyền tải cho thời nay thấy được diện mạo thay đổi của một tòa thành từ thời trung cổ đến thời cận đại và hiện đại của Nhật Bản, được vinh danh trong danh sách 100 tòa thành danh tiếng của Nhật Bản.

Dấu tích tòa tháp ba tầng ở khu Ninomaru, từng là biểu tượng của tòa thành

Dấu tích tòa tháp ba tầng ở khu Ninomaru, từng là biểu tượng của tòa thành

Tường đá cuộn tròn của Tenkyumaru, điều không thể thấy ở các di tích lâu đài khác

Tường đá cuộn tròn của Tenkyumaru, điều không thể thấy ở các di tích lâu đài khác

Tường đá ở trung tâm là dấu tích của Hishiyagura (tòa tháp hình thoi)

Tường đá ở trung tâm là dấu tích của Hishiyagura (tòa tháp hình thoi)

Jinpukaku
(Nhân Phong Các)

Jinpukaku là công trình tiêu biểu cho quá trình hiện đại hóa của thành phố Tottori, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực. Năm 1907, tòa nhà được xây dựng bởi Hầu tước Ikeda Nakahiro – cựu lãnh chúa phiên Tottori, dùng để đón tiếp và là nơi lưu trú cho Hoàng thái tử (sau này là Thiên hoàng Đại Chính) trong chuyến viếng thăm khu vực, đây là công trình kiến trúc mang phong cách phương Tây chính thống duy nhất tồn tại ở khu vực San-in.

Phong cách kiến trúc của Jinpukaku phản ánh sự tiến bộ của kỹ thuật kiến trúc phương Tây trong thời kỳ Minh Trị, phần thiết kế có sự tham gia của Tiến sĩ kỹ thuật Katayama Tokuma, người đã đảm nhận xây dựng Cung điện Akasaka – nơi đón tiếp khách của Cung điện Hoàng gia và Dinh thự Đông cung trước đây và được chỉ định là Quốc bảo của Nhật Bản.

Cùng với việc xây dựng Jinpukaku, điện và điện thoại được cung cấp đến khu vực đô thị, việc hoàn thiện mạng lưới giao thông cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, như việc xây dựng đường sắt trong nội tỉnh Tottori, dẫn đến sự hiện đại hóa của thành phố. Như vậy, việc xây dựng một công trình kiến trúc phương Tây quy mô lớn và chính thống tại thành phố địa phương mang ý nghĩa rất quan trọng, là biểu tượng cho sự hiện đại hóa và phát triển kỹ thuật của các đô thị địa phương.

Vì vậy, Jinpukaku được xem là công trình kiến trúc biểu tượng cho hiện đại hóa tại thành phố Tottori, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của thành phố sau thời kỳ suy thoái kéo dài kể từ Minh Trị Duy Tân (1868).

Điểm đặc trưng bên ngoài là căn phòng có cầu thang bát giác nằm ở mặt bên

Điểm đặc trưng bên ngoài là căn phòng có cầu thang bát giác nằm ở mặt bên

Mặt chính diện của tòa nhà có trang trí phần mái hình vòng cung

Mặt chính diện của tòa nhà có trang trí phần mái hình vòng cung

Cầu thang xoắn ốc bằng gỗ không có cột trụ

Cầu thang xoắn ốc bằng gỗ không có cột trụ

Cơ sở cấp nước từ đầu nguồn Mitani cũ

Cơ sở cấp nước từ đầu nguồn Mitani cũ đóng vai trò quan trọng như một biểu tượng cho quá trình hiện đại hóa của thành phố Tottori. Công trình được khởi công vào năm 1913, do Tiến sĩ khoa học Mita Zentaro – kỹ sư Nhật Bản đầu tiên thiết kế được hệ thống cấp thoát nước – đảm nhận, là hệ thống cấp nước hiện đại đầu tiên ở khu vực San-in và được hoàn thành vào năm 1915.

Tuy nhiên, ba năm sau khi hoàn thành, một trận mưa lớn do bão đã làm vỡ đập đất (đập bằng đất nén), gây ra thảm kịch khi cuốn trôi cả ngôi làng. Rút kinh nghiệm từ sự việc này, Tiến sĩ kỹ thuật Sano Tojiro – người xây dựng thành công đập bê tông đầu tiên của Nhật Bản – đã chịu trách nhiệm phục hồi và xây dựng đập Mitani bằng bê tông kiên cố vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Kể từ đó, nguồn nước từ Cơ sở cấp nước từ đầu nguồn Mitani cũ không chỉ được sử dụng làm nước uống mà còn đóng góp cho sự phát triển của khu vực trong hơn nửa thế kỷ, như cung cấp nước cho đầu máy hơi nước và các nhà máy, cho đến khi ngừng hoạt động vào năm 1992. Sau đó, dù bị bãi bỏ vai trò như một cơ sở, nhưng vì là hệ thống cấp nước còn sót lại từ thời Đại Chính (1912-1926) đến nay, nơi này đã được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng cấp Quốc gia vào năm 2007 và là địa điểm được yêu thích khi có thể cảm nhận được lịch sử của khu vực.

Vì nằm giữa vùng núi gần khu vực đô thị, du khách có thể tận hưởng cảnh sắc thay đổi bốn mùa, hoa anh đào hay đom đóm mùa hè, lá đỏ mùa thu hay cảnh tuyết phủ mùa đông, thu hút mọi người đến thăm. Dù đã kết thúc vai trò như một cơ sở cấp nước, công trình này vẫn lưu giữ nhịp đập và nhiệt huyết của những người đi trước, trở thành sự tồn tại không thể thay thế trong khu vực.

Giếng nước kết hợp vòm mái

Giếng nước kết hợp vòm mái

Nước từ hồ chứa được tích trữ trong 5 bể lọc

Nước từ hồ chứa được tích trữ trong 5 bể lọc

Trong phòng đo lưu lượng nước vẫn còn các đồng hồ đo từng được dùng vào thời đó

Trong phòng đo lưu lượng nước vẫn còn các đồng hồ đo từng được dùng vào thời đó

Chuyến tham quan thực tế ảo 360

文化庁

令和6年度 文化資源活用事業費補助金(文化財多言語解説整備事業)